Viet Academics

Chăm chỉ

Làm thế nào đạt được hiệu quả trong nghiên cứu và làm việc? Làm việc bao nhiêu giờ một ngày là đủ? Đây là những câu hỏi tôi liên tục tự hỏi bản thân mình trong vòng hơn 10 năm qua. Trong bài này, tôi muốn ghi lại một vài suy nghĩ của mình về các câu hỏi đó. Tôi không phải là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp về tâm lý hay thần kinh học, nên tôi cũng xác định không tìm kiếm một câu trả lời mang tính khoa học, áp dụng được cho nhiều người. Ngược lại, tôi chỉ mong tìm kiếm câu trả lời cho chính bản thân mình, thông qua thử nghiệm của bản thân, cũng như lượm lặt vài mẹo trên mạng mà bản thân thấy phù hợp. Cho đến thời điểm hiện tại, tôi đã tìm được một câu trả lời mà tôi thấy khá hài lòng.

Tôi bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc về cách thức để tăng hiệu quả nghiên cứu từ khi bắt đầu làm nghiên cứu sinh tiến sĩ năm 2013. Khi còn học đại học, tôi đã thử nghiệm với một phương pháp rất phổ biến: làm việc liên tục nhiều giờ đồng hồ, có khi lên tới hơn 12 tiếng mỗi ngày, và chỉ ngủ khoảng 6 tiếng, mà nói ngắn gọn là làm việc trâu bò.

Lại nói đến làm việc trâu bò, trong lớp đại học của tôi có một cậu bạn cực kì xuất sắc. Chúng tôi đặt biệt danh cho cậu này là “thằng giáo sư”: cậu ta có thể làm việc nhiều giờ liền liên tục, và có thể ngủ rất ít, đôi khi không cần ngủ, để hoàn thành bài tập lớn hay ôn thi cuối kì trong một thời gian ngắn. Thằng giáo sư vừa có thể vừa đi làm để nuôi bản thân suốt 4 năm đại học (mà còn dư tiền gửi về quê cho bố mẹ), vừa có thể tốt nghiệp loại xuất sắc, thủ khoa Bách Khoa Hà Nội. Để kể hết về những thành tích khủng của thằng giáo sư lớp tôi thì ôi thôi là nhiều, nên thôi, để dịp khác. Điều quan trọng mà tôi muốn nói đến ở đây là: thằng giáo sư là một tấm gương ngay trước mắt tôi. Có khi tôi cần phải làm việc nhiều và ngủ ít như nó thì mới cải thiện bản thân được. Nghĩ vậy nên tôi cũng thử.

Khổ nỗi tôi lại không làm được. Ngủ ít hơn 8 tiếng thì người cứ vật vờ như nghiện, không tỉnh táo được. Mà không phải tôi ít kiên nhẫn: thử cả 4 năm đại học, và 1-2 năm đầu khi đã là nghiên cứu sinh, tổng thời gian cũng không ít. Nhưng tôi vẫn không thấy hiệu quả, chỉ thấy càng ngày mình càng chán làm việc vì tình trạng thiếu ngủ. (Càng nghĩ càng thấy phục “thằng giáo sư”, chả hiểu sao nó làm được vậy.) Tôi nhận ra rằng, bản thân mình không thể làm được như vậy, vì cơ địa khác biệt, hoặc sức khỏe tinh thần kém, hoặc cái gì đó mà tôi không biết. Tôi bắt đầu tìm hiểu thêm cách thức người khác làm việc thông qua internet. (Lúc này tôi đã bắt đầu năm thứ 2 làm nghiên cứu sinh.) Có quá nhiều câu chuyện về những người thành công chỉ ngủ vài tiếng một ngày; nói đến đây là tôi nghĩ ngay đến Elon Musk. Nhưng tôi biết nó không phù hợp với mình.

Thật may là tôi đọc được Terry Tao. Terry Tao không chỉ là một nhà toán học nổi tiếng, viết rất nhiều lời khuyên về phát triển sự nghiệp. Tôi tò mò đọc dần và đọc hết tất cả những lời khuyên Terry Tao viết. (Nghiên cứu của tôi là mảng lý thuyết trong khoa học máy tính nên những lời khuyên của Terry Tao nói chung rất phù hợp.) Cho đến khi đọc được bài viết của Terry Tao về làm việc chăm chỉ, work hard, tôi mới thực sự bắt đầu thay đổi theo hướng phù hợp với bản thân mìn hơn. (Tiêu đề của bài này cũng là do tôi bắt chước Terry Tao.) Terry Tao viết:

One final note: there is an important distinction between “working hard” and “maximising the number of hours during which one works”. In particular, forcing oneself to work even when one is tired, unmotivated, unprepared, or distracted with other tasks can end up being counterproductive to one’s long-term work productivity, and there is a saturation point beyond which pushing oneself to work even longer will actually reduce the total amount of work you get done in the long run (due to the additional fatigue, loss of motivation, or increasingly urgent need to attend to non-work tasks that this can cause). Generally speaking, it is better to try to arrange a few hours of high-quality working time, when one is motivated, energetic, prepared, and free from distraction, than to try to cram into one’s schedule a large number of hours of low-quality working time when one or more of the above four factors are not present.

Tôi có nhờ ChatGPT 3.5 dịch hộ, và bản dịch khá chuẩn:

Một lưu ý cuối cùng: có một sự khác biệt quan trọng giữa “làm việc chăm chỉ” và “tối đa hóa số giờ làm việc”. Cụ thể, ép bản thân làm việc ngay cả khi cảm thấy mệt mỏi, thiếu động lực, không chuẩn bị kỹ càng, hoặc bị phân tâm bởi các công việc khác có thể dẫn đến hiệu quả ngược cho năng suất làm việc dài hạn của bạn. Có một điểm bão hòa mà sau đó, việc ép mình làm việc lâu hơn thực sự sẽ giảm tổng lượng công việc bạn hoàn thành về lâu dài (do mệt mỏi tăng thêm, mất động lực, hoặc nhu cầu ngày càng cấp bách phải giải quyết các công việc ngoài công việc chính gây ra). Nói chung, tốt hơn là nên sắp xếp vài giờ làm việc chất lượng cao, khi bạn có động lực, tràn đầy năng lượng, chuẩn bị kỹ càng và không bị phân tâm, thay vì cố nhồi nhét vào lịch trình một số lượng lớn giờ làm việc chất lượng thấp khi một hoặc nhiều trong bốn yếu tố trên không có. (Theo ChatGPT 3.5)

Từ đó tôi thay đổi theo hướng: không “đếm” số giờ làm việc, tập trung làm việc khi tinh thần tỉnh táo nhất, mà chủ yếu là buổi sáng. Đây có thể nói là một thay đổi tích cực nhất trong toàn bộ sự nghiệp của tôi. Tôi không còn cảm thấy “tội lỗi” khi tôi dành thời gian cho những việc khác ngoài nghiên cứ. (Trước đây mỗi khi không làm việc là tôi lại thấy thấy không yên, cho rằng mình “lười”.) Tôi bắt đầu cảm thấy thực sự thích thú với lĩnh vực nghiên cứu của mình và hiểu được hơn một chút cái gọi là đam mê nghiên cứu. Rất may là tôi có một giáo sư hướng dẫn tuyệt vời. Giáo sư của tôi chưa bao giờ gây áp lực đối với tôi. Tôi gặp giáo sư 1 tiếng mỗi tuần để “check in”; nếu có gì liên quan đến nghiên cứu thì đưa ra thảo luận, nêu không thì nói chuyện tào lao chính trị từ Việt Nam cho đến thế giới, đủ cả. Giáo sư cho tôi một khoảng tự do đủ lớn để tôi tự điều chỉnh cũng như tìm hiểu chính bản thân mình. Nhiều khi tôi nghĩ, trong một thực tế ngược lại, nếu giáo sư tôi áp đặt papers hay deadline, thì có lẽ tôi đã không tốt nghiệp được PhD.

Tôi ngủ nhiều hơn, không ít hơn 8 tiếng mỗi ngày, và làm việc điều độ hơn (bây giờ nghĩ lại tôi vẫn cho rằng mình làm nhiều hơn cần thiết). Nhưng đôi khi vẫn có ngoại lệ: khi cần thiết chạy deadline cho paper hay ôn thi một vài môn vì mình lười không chịu bỏ thời gian học ở nhà lúc bình thường. Một may mắn nữa là hướng nghiên cứu của tôi là nghiên cứu lý thuyết, nên khả năng ra paper ít hơn, dẫn đến chạy deadline ít hơn đặc biệt là so với hướng machine learning. Bạn bè tôi nghiên cứu theo hướng này thấy bận rộn với deadline hơn hẳn, mà thông thường deadline = thiếu ngủ trầm trọng.

Đến khi gần tốt nghiệp, tôi thực sự còn không muốn tốt nghiệp. Tôi vẫn muốn dành thời gian để nghiên cứu những thứ mà tôi biết có khi chả mấy người quan tâm. Lúc này giáo sư của tôi chuyển hướng sang nghiên cứu lĩnh vực khác hẳn với tôi, nên mỗi khi gặp, cuộc trò chuyện chủ yếu đề cập các vấn đề chả liên quan gì đến nghiên cứu nữa. Nhưng nghiên cứu thì cũng phải tính đến cơm áo gạo tiền, khi mà mình không chỉ phải lo cho bản thân nữa. Do đó tôi tốt nghiệp, làm software engineer toàn thời gian ở Microsoft, để rồi sau đó lại bỏ để đi làm postdoc.

Postdoc (2 năm) là giai đoạn tuyệt với nhất đối với tôi. Tôi được tự do nghiên cứu những gì mình thích, đi hội nghị gặp nhiều đồng nghiệp mới. Đặc biệt tôi tìm được một đồng nghiệp để cộng tác nghiên cứu lâu dài; cho đến giờ chúng tôi đã cộng tác với nhau gần 6 năm. Giáo sư hướng dẫn postdoc của tôi là một người bận rộn nhưng tuyệt vời. Tiếc là trong cả quá trình postdoc 2 năm, tôi lại chả viết được bài báo nào với giáo sư hướng dẫn cả. (Đoạn này và đoạn trên hơi lam man mất thời gian, xin lỗi bạn đọc.) Tôi vẫn giữ thói quen làm việc thời PhD. Tôi ngủ không ít, và làm việc tùy hứng. Nhưng nhiều khi vẫn bị ảnh hưởng bới áp lực lớn: sau 2 năm postdoc rồi đi đâu, làm gì? (Tôi không làm postdoc ở Mỹ.) Áp lực đôi khi khiến tôi nghĩ rằng mình nên giảm thời gian ngủ đi để nghiên cứu. Nhưng mỗi lần như vậy thì kinh nghiệm cũ lại được khẳng định: hiệu quả giảm nhiều khi thiếu ngủ.

Khi tôi bắt đầu tenure-track job, là một assistant professor (AP), tôi rất lo lắng. Không khó để bắt gặp những bài viết về việc một AP làm việc nhiều giờ liên tục mỗi ngày. Tôi biết là phong cách đó không phù hợp với mình, một bài học từ nhiều lần thử nghiệm trước đây. Tôi sợ thất bại thì ít, mà sợ mình không còn giữ được đam mê nghiên cứu nữa thì nhiều. Công việc của một AP ngành computer science có vẻ xoay quanh grants rất nhiều, ai mang được càng nhiều tiền funding thì càng được coi là thành công. Tôi biết mình không có đam mê với viết grants (cho đến thời điểm hiện tại thì quan điểm về viết grants của tôi cũng đã thay đổi tích cực hơn nhưng một điều vẫn không đổi là tôi không thích viết). Tôi vẫn lên mạng lượm lặt, tìm kiếm học hỏi những mẹo (tips) phù hợp với bản thân mình hơn. Tôi có tình cờ đọc được bài viết của Radhika Nagpal mà tôi tâm đắc: coi tenure-track job như postdoc dài hạn. Tôi cực kì thích giai đoạn postdoc của mình, như đã nói ở trên, nên tôi rất thích ý tưởng của bài viết đó. Thói quen làm việc của tôi còn thay đổi theo hướng tích cực hơn nữa. Tôi không làm việc buổi tối hay thứ 7. Sau 6h tối, tôi sẽ không đọc email nữa; tôi cũng không cài email trên điện thoại. (Tôi có làm việc chủ nhật, chủ yếu là để làm việc không liên quan gì đến nghiên cứu, ví dụ như giải quyết hành chính ở trong khoa, hay viết bài kiểu như bài này chẳng hạn.) Những gì tôi đạt được vài năm vừa qua trong vị trí AP hoàn toàn vượt quá kì vọng của tôi, ít nhất là so với thời gian mà tôi bỏ ra để làm việc. Nhiều khi tôi tự hỏi: nếu tôi bỏ nhiều thời gian làm việc hơn, liệu tôi có làm được nhiều thứ hơn không? Có lẽ có, có lẽ không. Tôi sẽ không bao giờ biết câu trả lời, nhưng điều đó không quan trọng. Tôi hài lòng với hiện tại.

by Lê Việt Hùng, 19/05/2024.