Hệ thống giáo sư ở Mỹ phức tạp như một ma trận, với hàng tá cấp bậc và chức danh khác nhau. Đó là chưa kể, cùng một vị trí, tính chất công việc, nhưng mỗi trường lại dùng một cái tên khác nhau. Từ ngoài nhìn vào thì hệ thống này rất lộn xộn. Tuy vậy, logic đằng sau nó khá đơn giản. Trong bài này, mình sẽ tóm lược một số quan sát cá nhân, để giải thích logic đó. Bài này có hai mục tiêu chính:
- Gỡ rối cho những bạn chưa tiếp cận nhiều với hệ thống học thuật của Mỹ.
- Giúp các bạn đang nộp hồ sơ ứng tuyển các vị trí giáo sư có thể hiểu được nhà tuyển dụng (các trường đại học) tìm kiếm gì từ bạn.
Mô hình lý tưởng: Ngày xửa ngày xưa, hệ thống giáo sư ở Mỹ rất đơn giản: giáo sư có biên chế (tenure track), kết hợp nghiên cứu + giảng dạy. (Về cơ bản thì cũng giống Việt Nam hiện giờ, mặc dù quy trình xét duyệt hoàn toàn không giống nhau.) Nghiên cứu thì hoàn toàn do các giáo sư tự quyết định: ai thích làm gì thì làm. Mức độ giảng dạy của mỗi giáo sư rất nhẹ nhàng: mỗi năm 2 lớp, mỗi kì một lớp (theo hệ thống semester), mỗi lớp dạy 2 buổi, mỗi buổi tầm 1 tiếng hoặc hơn chút. Tóm lại: giảng dạy mỗi tuần 3-5 tiếng , còn lại thời gian hơn 35 tiếng (theo chuẩn 40 tiếng mỗi tuần), ai muốn làm gì thì làm, mình làm chủ chính mình. Lương thưởng tuy không giàu, nhưng sống rất tốt, chăm lo được cho gia đình, và không phải nghĩ ngợi chuyện cơm áo gạo tiền. Biên chế (tenure) có nghĩa là giáo sư sẽ không bao giờ bị mất việc, ngoại trừ vi phạm đạo đức hoặc phạm tội hình sư nghiêm trọng. Một công việc (gần như) trọn đời, thích làm gì thì làm, nghe có vẻ ảo, nhưng đó chính xác là là lý do tại sao nhiều ngườimuốn làm giáo sư ở Mỹ, mặc dù nhiều trong số họ dễ dàng kiếm được công việc khác với mức lương cao hơn nhiều lần.
Ghi chú: mô hình trên chỉ đúng với các trường hướng nghiên cứu (research university); các trường hướng giảng dạy (teaching university) thì bản chất biên chế khác rất nhiều, sẽ nói tới ở phần 5 dưới đây.
Mô hình thực tại: Mô hình lý tưởng ở trên vẫn là cái lõi của hệ thống giáo sư ở Mỹ. Tuy nhiên, thực tại có rất nhiều thách thức mà cái lõi đó không giải quyết được, và do đó, mô hình thực tế đó phải sửa đổi và mở rộng cái lõi đó. Hai thách thức lớn bao gồm:
-
Các giáo sư biên chế có quá nhiều quyền lợi và tự do như vậy, nếu một ngày đẹp trời (hoặc xấu trời) nào đó mà tất cả các ông đó đều không làm nghiên cứu nữa thì các trường đại học tồn tại thế nào? Một trong số các phương pháp mà các trường áp dụng là đưa ra hệ thống cấp bậc; vấn đề này sẽ được thảo luận kĩ hơn trong mục 1 dưới đây.
-
Chi phí cho một giáo sư biên chế là không hề nhỏ, tuy nhiên mỗi người lại dạy quá ít. Cách giải quyết thực ra khá đơn giản: tuyển các giáo sư chỉ tập trung nhiệm vụ giảng dạy (teaching professors). Đây là cái gốc của ngạch phi biên chế (non-tenure track) mà các trường áp dụng, sẽ thảo luận ở mục 2.
Tại sao các trường không yêu cầu các giáo sư biên chế dạy nhiều hơn, 2 lớp 1 kì thay vì 1 lớp 1 kì chẳng han? Nếu mỗi giáo sư phải dạy nhiều hơn, thì họ sẽ không còn thời gian để nghiên cứu nữa, và do đó, bản chất của biên chế sẽ không còn nữa. Mục 1 sẽ thảo luận kĩ hơn, mặc dù vẫn rất sơ sài, về bản chất của biên chế.
Ngạch phi biên chế mở ra một hướng khác:
- Nếu một trường có thể tuyển một giáo sư chỉ tập trung giảng dạy, tại sao lại không tuyển một giáo sư chỉ tập trung nghiên cứu, không có nghĩa vụ giảng dạy? Nhiều trường có thêm ngạch như vậy: tuyển giáo sư chỉ làm nghiên cứu (research professors). Ngạch này cũng là phi biên chế (non-tenure track), nhưng bản chất khác hẳn với ngạch giảng dạy ở mục 2. Ngạch này sẽ được thảo luận kĩ hơn ở mục 3.
Còn rất nhiều các vấn đề khác cần giải quyết, và mỗi trường lại có vấn đề riêng của họ. Do đó, các trường khác nhau có thể mở ra các cơ chế khác nhau. Hệ quả là hệ thống giáo sư trở nên vô cùng phức tạp, mỗi trường có một biến thể riêng của mình. Ví dụ Adjunct/Visiting Professors ở một số trường là vị trí để giải quyết vấn đề ngắn hạn trong teaching. (Phần 4 sẽ nói qua về các vị trí kiểu này.) Tuy vậy, 3 ngạch ở trên (tenure track, non-tenure track for teaching, non-tenure track for research) bao quát khá đầy đủ hệ thống giáo sư ở Mỹ.
1. Ngạch biên chế (tenure track)
Làm nghiên cứu rất khó, đôi khi cần hàng chục, có khi hàng trăm năm mang lại kết quả. Làm việc khó cần người giỏi, kiên trì, và có điều kiện. Đây là gốc rễ của các trường đại hướng nghiên cứu: tuyển người giỏi, có tầm nhìn trong nghiên cứu, và tạo điều kiện để họ có thể kiên trì biến tầm nhìn đó của họ thành hiện thực. Lấy các tiến bộ trong AI gần đây làm ví dụ. Không phải tự nhiên AI lại phát triển mạnh mẽ gần đây. Nghiên cứu AI bắt đầu từ hơn 70 năm trước đây, trả qua nhiều thăng trầm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn không từ bỏ AI, và cho đến tận bây giờ nghiên cứu AI mới thực sự có kết quả mang tính ứng dụng rộng rãi. Nhiều trong số những nhà cứu tiên phong đó là giáo sư biên chế của các trường đại học. Không có biên chế thì không có AI: 70 năm trước đây, ai có thể hình dung được AI phát triển như bây giờ? Nghiên cứu AI những năm đó (và nhiều năm tiếp theo), vẫn bị cho là phi thực tế.
Nghiên cứu của AI trong công nghiệp cực kì quan trọng, nhưng nó mới diễn ra gần đây khi, sau khi các nghiên cứu xuất phát từ các trường đại học đã cho thấy được tiềm năng ứng dụng.
Một giáo sư sau khi có biên chế có thể tập trung vào các hướng nghiên cứu dài hạn, có tiềm năng đột phá. Biên chế cho họ thời gian và một công việc ổn định. Ngoài ra, về mặt tuyển dụng, biên chế là lợi thế cạnh tranh duy nhất mà các trường đại học sử dụng để tuyển nhân tài, vì các trường đại học hiện nay không thể cạnh tranh về lương với các công ty. Người càng giỏi thì càng không muốn có ai làm chủ hoặc can thiệp hay vào công việc của họ. Biên chế cho họ điều đó: tự làm chủ chính mình.
Tuy nhiên, không có ranh giới rõ ràng giữa: (a) nghiên cứu nhiều năm chưa ra kết quả, và (b) bỏ bê nghiên cứu không làm gì cả. Mục tiêu của biên chế là (a): khuyến khích các nghiên cứu đột phá cho dù không ra kết quả trong nhiều năm. Tuy nhiên, trên lý thuyết, sau khi có biên chế, một giáo sư có thể chọn lựa không nghiên cứu nữa (trường hợp b). Các trường đại học biết rõ điều này hơn ai hết. Trên thực tế, trường hợp (b) vẫn xảy ra, nhưng là thiểu số so với trường hợp (a), do đó, hệ thống biên chế hiện tại, lợi nhiều hơn là hại. Để khuyến khích (a), các trường chia giáo sư ra làm 4 bậc, từ thấp đến cao, như sau:
1.1. Assistant Professor
Có người dịch bậc này là “giáo sư trợ lý”, có khác người dịch là “giáo sư bậc 1”, người nữa dịch là “giáo sư tập sự”. Ở ta không có bậc này nên không có thuật ngữ chính thống, ai muốn dịch là gì thì dịch. Bất kể dịch là gì, về bản chất, giáo sư bậc này chưa có biên chế (pre-tenure), mặc dù họ ở trong ngạch biên chế (tenure track). Về cơ bản đây là giai đoạn thử việc. Sau vài năm, thông thường là 5 năm, một Assistant Professor phải nộp hồ sơ “xin biên chế” lên trường.
- Nếu hồ sơ được duyệt, thì giáo sư đó sẽ được biên chế, thường kèm theo thăng chức lên cấp tiếp theo, Associate Professor.
- Nếu hồ sơ không được duyệt, thì giáo sư đó sẽ có 1 năm để chuẩn bị tìm việc khác, mà nói đúng ra là bị đuổi việc.
Trường đại học mà giáo sư đó công tác sẽ ra quyết định biên chế, không liên quan đến nhà nước; điều này khác với ta.
Hồ sơ xin biên chế bao gồm 3 thành phần: nghiên cứu (research), giảng dạy (teaching), và phục vụ (service). Xét thế nào, trọng số mỗi thành phần được tính ra sao, thì lại tùy vào từng trường. Đối với các trường nghiên cứu, thì nghiên cứu đóng vai trò quyết định. Chung quy lại thì biên chế là cơ chế để tuyển những nhà nghiên cứu xuất sắc.
Khi một trường đại học xét duyệt biên chế cho ai đó, thì họ tin rằng người đó sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu sau khi đã có biên chế (mặc dù như đã nói, điều này không phải lúc nào cũng xảy ra trên thực tế.)
Các Assistant Professor thường chịu nhiều áp lực do họ đang trong giai đoạn thử việc, và có rất nhiều thứ họ phải làm để “chứng minh” rằng mình (i) có năng lực nghiên cứu và (ii) sẽ tiếp tục nghiên cứu sau khi đã có biên chế.
1.2. Associate Professor
Ở ta dịch bậc này là “phó giáo sư”. Thông thường giáo sư bậc này đã có biên chế. Các giáo sư sau khi có biên chế sẽ thoải mái hơn, áp lực lấy biên chế không còn nữa. Không ai có thể đuổi việc họ. Nhiều trong số họ theo đuổi các hướng nghiên cứu dài hạn và tham vọng hơn. Và trên lý thuyết, họ có thể hoàn toàn quyết định từ bỏ nghiên cứu để làm việc khác, hoặc không làm gì cả.
Để khuyến khích các giáo sư sau biên chế tiếp tục nghiên cứu, các trường đại học đưa ra thêm hai mức khác nhau: (Full) Professor, và Dishtinguished Professor. Ngoài ra còn có Endowed Professor, nằm ngoài bậc than biên chế, sẽ nói kĩ ở phần 1.5.
Một số trường, như Harvard hoặc MIT chẳng hạn, nhiều Associate Professor vẫn không có biên chế. Biên chế và cấp bậc giáo sư bản chất là hai thứ khác biệt. Nhiều trường gộp giai đoạn xin biên chế và lên bậc Associate Professor thành 1; trong trường hợp như vậy, một giáo sư chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ để “xin” cả 2. Một số trường khác tách hai cái này ra, và mỗi giáo sư phải nộp hồ sơ 2 lần: lần 1 để lên chức Associate Professor (dễ hơn), và lần 2 là để xin biên chế (khó hơn). Tóm lại, giáo sư ở đó bị “ăn hành” không ít.
1.3 (Full) Professor
Bậc này ta dịch là “giáo sư”. Các Associate Professor sau một thời gian trau dồi nghiên cứu sẽ được đề bạt lên mức này. Không có khung thời gian cụ thể nào cho việc đề bạt: nhanh thì 1-2 năm, lâu thì 10, 15, hay 20 năm. Có người dừng ở mức Associate Professor cho đến khi về hưu.
Tiêu chuẩn chung là Professor cần có thành tích nghiên cứu nổi trội, vượt (xa) mức Associate Professor. Mỗi trường khác nhau thì có định nghĩa thế nào là “thành tích nổi trội” khác nhau, không thể kể hết ra đây được.
Giáo sư ở mức Professor có mức lương cao hơn so với mức Associate Professor. Ở một số trường/khoa, “tiếng nói” của Professor có trọng lượng hơn Associate Professor.
1.4 Dishtinguished Professor
Ta dịch tạm bậc này là “giáo sư ưu tú”. Một số trường dùng tên khác, ví dụ như University Professor, cho bậc này. Bậc này rất hiếm người có thể đạt được, và chỉ dành cho những giáo sư có năng lực nghiên cứu tầm cỡ hiếm có so với thế giới với nhiều các loại giải thưởng, bỏ xa mức Professor. Ví dụ giáo sư Đàm Thanh Sơn, hay giáo sư Phạm Hữu Tiệp hiện tại ở bậc này. Bậc này là bậc cuối cùng trong nấc thang giáo sư biên chế.
1.5. Endowed Professor
Ở ta không có bậc này. Gọi là “bậc” thì cũng không chính xác lắm, vì đây không phải bậc trong nấc thang biên chế, mà là một chức danh đi kèm. Một (hoặc một nhóm) nhà tài trợ quyên góp tiền cho một trường đại học để họ có thể sử dụng khoản tiền đó trong tuyển dụng giáo sư mới, hoặc ghi nhận những đóng góp quan trọng của giáo sư hiện tại trong khoa. Các giáo sư nhận một phần tiền từ nhà tài trợ đó được gọi là các Endowed Professor, và trong chức danh của họ thường mang tên của nhà tài trợ đó. Ví dụ chức danh Francis and Rose Yuen Distinguished Service Professor của giáo sư Ngô Bảo Châu.
Giáo sư ở bất kì bậc nào (Assistant, Associate, Full, Dishtinsuighed) đều có thể được ghi nhận với chức danh Endowed Professor, tùy thuộc vào điều khoản thỏa thuận của khoa/trường với nhà tài trợ. Do đó, Endowed Professorship là một chức danh đi kèm, chứ không phải là một “bậc”. Ngoài ra, Endowed Professorship đôi khi chỉ có hạn trong một thời gian nhất định (3-5 năm).
Ở một số trường, như Yale chẳng hạn, Endowed Professorship như Sterling Professor tương đương như bậc Dishtinguished Professor ở các trường khác, và do đó không đơn tuần chỉ là một Endowed Professorship.
Có thể thấy, việc phong Endowed Professor không có quy củ gì cả, các trường và nhà tài trợ thích làm thế nào thì làm.
Tóm lại
Các trường đại học ở Mỹ nghĩ ra đủ các loại hình thức để khuyến khích các giáo sư đã có biên chế tiếp tục công tác nghiên cứu của họ. Mặc dù trên lý thuyết, các giáo sư biên chế có thể chọn từ bỏ nghiên cứu, thực tế rất ít trường hợp xảy ra như vậy. Theo quan sát của cá nhân, các giáo sư biên chế ở Mỹ sợ không có việc gì để làm hơn là mong muốn không làm việc. Nghiên cứu là một sân chơi trí tuệ (nghiên cứu là để chơi) chứ không phải là “việc phải làm”. Do đó, các trường đại học ở Mỹ không bao giờ lo về việc hệ thống biên chế bị lạm dụng.
Phần lớn các giáo sư sắp về hưu sẽ ít nghiên cứu hơn, hoặc không còn nghiên cứu nữa, mà thay vào đó, họ đóng góp nhiều hơn cho quản trị của khoa/trường, hoặc các hiệp hội nghiên cứu. Tất nhiền không thể nói đây là lạm dụng biên chế, vì họ đã cống hiến cả một sự nghiệp cho sự phát triển của khoa/trường.
2. Ngạch phi biên chế, giảng dạy (non-tenure track, teaching)
Giáo sự ngạch biên chế thường chỉ dạy 1 môn học mỗi kì, trong khi đó, một khoa có thể có rất nhiều môn cần phải dạy. Nếu chỉ tuyển giáo sư biên chế để dạy thì chi phí rất lớn. Do đó, để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, đặc biệt là ở Mỹ, khi mà một số lượng khổng lồ du học sinh đên theo học, các trường đại học tuyển thêm nhiều giáo sư giảng dạy (teaching professors), và ngạch này thường không có biên chế. Chi phí thuê một giáo sư giảng dạy thướng ít hơn, mà số lượng lớp họ dạy lại nhiều gấp 3 giáo sư biên chế.
Từ “giáo sư nghiên cứu” có thể bị nhầm lẫn với “Research Professor” ở mục 3 dưới đây, nên mình dùng từ “giáo sư biên chế” để nói tới giáo sư ngạch biên chế ở mục 1.
Chức danh giáo sư ngạch giảng dạy có lẽ là lung tung nhất, mỗi trường một kiểu, không có quy chuẩn gì cả. Phổ biết nhất là Lecturer hoặc Teaching Professor. Có nơi gọi là Clinical Professor, hay Professor of Practice, hay Instructional Professor, hay Professor of Instruction, hoặc kết hợp các tên như vậy. Bản thân mình cũng chả hiểu hết được ý nghĩa của những chứng danh này, vì có quá nhiều.
Fun fact: ở Úc hay Châu Âu, chức danh Lecturer tương đương với Assistant Professor ở Mỹ: là giáo sư ngạch biên chế.
Nhiệm vụ chính của các giáo sư giảng dạy là giảng dạy, thông thường 3 lớp mỗi kì, có khi lên tới 4 tùy trường/khoa. Như vậy một giáo sư giảng dạy dạy “gấp 3 lần” giáo sư biên chế. Giáo sư giảng dạy kí hợp đồng ngắn hạn, thông thường từ 1 đến 3 năm, và gia hạn hợp đồng sau mỗi 3 năm. Trường/khoa hoàn toàn có thể dừng kí hợp đồng mới, nếu như nhu cầu giảng dạy giảm đi hoặc khi giáo sư đó không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy (trường hợp này ít xảy ra hơn).
Giống như ngạch biên chế, ngạch giảng dạy cũng có các bậc khác nhau, để khuyến khích các giáo sư nâng cao chuyên môn giảng dạy, cũng như để ghi nhận đóng góp cho trường khoa. Ví dụ, các cấp bậc theo thứ tự từ thấp lên cao:
- Ở UMass có Lecturer, Senior Lecturer, và Senior Lecturer II.
- CMU có Assistant Teaching Professor, Associate Teaching Professor, and Teaching Professor.
- Ở Brown thì có Assistant Professor of Practice, Associate Professor of the Practice, và Professor of the Practice.
Một số trường, như Princeton, có bậc University Lecturer, là bậc ưu tú, giống như Disinguished Professor hay University Professor ở ngạch biên chế. Giáo sư bậc này tuy không có biên chế theo quy định, nhưng trên thực tế họ không khác gì một giáo sư biên chế.
Biên chế cho các giáo sư giảng dạy. Các giáo sư giảng dạy đóng góp rất lớn vào nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của các trường đại học ở Mỹ. Tuy nhiên, công sức của họ chưa được ghi nhận một cách đúng đắn thông qua biên chế. Hiện tại, biên chế của hầu hết các trường đại học chỉ dành cho ngạch giáo nghiên cứu ở mục 1.
3. Ngạch phi biên chế, nghiên cứu (non-tenure track, research)
Giáo sư ngạch này, thường gọi là Research Professor, chủ yếu tập trung vào nghiên cứu và không có biên chế (non-tenure). Điều khác biệt chính so với hai ngạch ở trên là Research Professor không được khoa/trường trả lương. (Các vị trí kiểu này này là “Soft Money Position”). Giáo sư ngạch này tự trả lương cho mình bằng cách xin tài trợ nghiên cứu (research funding) từ các công ty hay chính phủ. Trường/khoa có thể trả lương cho họ trong 1-2 năm đầu tiên cũng như “startup money” để họ xây dựng đội ngũ nghiên cứu. Tuy trường/khoa không trả lương, nhưng họ vẫn cung cấp employment benefit cho Research Professor, ví dụ như bảo hiểm y tế chảng hạn, vì về cơ bản, Research Professor vẫn là nhân sự chính thức.
Đôi khi vị trí Research Assistant Professor cũng đóng vai trò như vị trí postdoc dàn hạn, ví dụ như ở TTIC Chicago.
Các Research Professor có thể sử dụng tài nguyên của khoa/trường trong nghiên cứu của họ, ví dụ như họ có thể hướng dẫn nghiên cứu sinh trong trường, hay được cung cấp không gian cho phòng thí nghiệm (lab space). Họ cũng có thể dùng danh tiếng của trường trong quá trình xin tài trợ nghiên cứu từ doanh nghiệp cũng như chính phủ. Ngược lại, họ có thể phải trích tiền từ quỹ nghiên cứu để trả chi phí cho các tài nguyên họ sử dụng từ trường. Do đó, đôi bên đều có lợi.
Research Professor thường có 3 bậc: Research Assistant Professor, Research Associate Professor, và Research (Full) Professor. Các trường/khoa chủ yếu dựa vào nghiên cứu để xét tăng cấp cho các Research Professor.
Một câu hỏi đặt ra là: tại sao họ lại cần cấp bậc cho các Research Professor, vì cho dù các Research Professor được tăng cấp, họ đâu có được trả lương từ trường/khoa? Tất nhiên, các chức danh đó một phần cùng dùng để ghi nhận và khuyến khích Research Professor trong công việc, nhưng đó không phải là lý do chính.
Câu trả lời chủ yếu nằm ở cách thức xin tài trợ. Khi xin tài trợ của chính phủ chẳng hạn, các Research Professor phải ghi rõ họ sẽ dùng bao nhiêu phần trăm của kinh phí của dự án nghiên để trả lương cho mình. Và con số cụ thể thế nào thì tùy thuộc vào cấp bậc của họ: Research Associate Professor có thể yêu cầu chính phủ trích nhiều phần trăm của dự án để trả lương cho họ hơn là các Research Assistant Professor.
4. Adjunct/Visiting Professor
Các vị trí Adjunct Professor thường được tạo ra để giải quyết nhu cầu giảng dạy ngắn hạn. Ví dụ khi một khoa cần tuyển giáo sư để dạy một hoặc một vài lớp mà hiện tại không có ai trong khoa dạy các lớp đó. Theo logic đó, Adjunct Professor hơi giống giáo viên dạy hợp đồng ở ta. Một Adjunct Professor thường được trả lương dựa vào thời lượng giảng dạy, như đã đưa ra trong hợp đồng, và họ thường không có “employment benefit”, ví dụ như bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, không phải Adjunct Professor nào cũng chỉ đáp ứng nhu cầu giảng dạy ngắn hạn. Trong nhiều trường hợp, giáo sư X ở đại học A có một quan hệ nào đó với một khoa nào ở đại học B—cộng tác trong nghiên cứu chẳng hạn—và đại học B có thể tạo ra vị trí Adjunct Professor cho giáo sư X để tiện trong công tác giấy tờ thủ tục. Do đó, vị trí Adjunct Professor đôi khi rất lằng nhằng. Nhìn chung, Adjunct Professor thường là các vị trí có ít phúc lợi nhất, hoặc đôi khi không có phúc lời gì từ khoa/trường.
Một vị trí có liên quan, nhưng không hoàn toàn giống với Adjunct Professor, là Visiting Professor. Như cái tên của nó, chức danh này dành cho những giáo sư hoặc nhà nghiên cứu từ trường khác đến công tác ngắn hạn, thường là dưới 1 năm. Visiting Professor về cơ bản không phải là nhân sự chính thức trong khoa, và không được trả lương. Họ có thể được khoa cung cấp không gian làm việc (office space), và thường họ vào khoa để nghiên cứu cùng một giáo sư chính thức khác trong khoa. Đôi khi vị trí Visiting Professor cũng được tạo ra để thuê người đến dạy hợp đống, giống Adjunct Professor, và trong trường hợp đó, Visiting Professor và Adjunct Professor chỉ là hai tên gọi khác nhau của cùng một kiểu vị trí.
5. Ngạch biên chế (tenure track) ở các trường hướng giảng dạy (teaching university)
Sự khác biệt cơ bản trong biên chế của các trường nghiên cứu và các trường hướng giảng dạy là thứ tự ưu tiên. Biên chế của các trường nghiên cứu là để khuyến khích nghiên cứu, trong khi đó biên chế của các trường giảng dạy chủ yếu xét dựa trên giảng dạy.
Các giáo sư ngạch biên chế ở các trường hướng giảng dạy thường dạy từ 3-4 lớp mỗi kì nên phần lớn thời gian của họ là giảng dạy. Trong cơ chế xét biên chế, chất lượng giảng dạy chiếm tỷ trọng lớn; nghiên cứu nói chung là được khuyến khích, nhưng không có nhiều trọng lượng. Nhiều trong số giáo sư ở những trường hướng giảng dạy vẫn duy trì một chương trình nghiên cứu đẳng cấp, vì cơ bản đó là một sân chơi trí tuệ, nhưng số lượng những người như vậy không nhiều.
Theo một nghĩa nào đó, giáo sư các trường hướng giảng dạy giống teaching professors ở các trường nghiên cứu. Sự khác biệt chính là ở các trường giảng dạy, họ có biên chế. Nếu bạn tìm kiếm một cơ hội tập trung vào giảng dạy nhiều hơn là nghiên cứu, và có biên chế, thì các trường hướng giảng dạy là lựa chọn phù hợp nhất.
Làm thế nào để biết được thế nào là một trường hướng giảng dạy? Có vài cách: (a) nhìn vào tin đăng tuyển dụng của họ, nếu có nói đến dạy 3 lớp một kì hoặc hơn thì khả năng cao đó là trường hướng giảng dạy, (b) các trường Liberal Arts Colleges, (c) các trường đại học R2. Đây chỉ là những cách chung chung, không bao quát được tất cả. Một số trường Liberal Arts Colleges hay đại học R2 tập trung khá nhiều vào nghiên cứu.
Do bài đã dài nên mình dừng tại đây. Bạn đọc có góp ý thì để lại comment, mình sẽ thêm vào trong lần sửa bài tiếp theo.
by Lê Việt Hùng, 06/02/2025.
Nếu bạn có câu hỏi cụ thể dành riêng cho mình thì có thể gửi vào https://www.askmeanything.cc/hungleumass/